Những chủ đề tranh đông hồ thịnh hành nhất trong năm 2020
Văn hóa Việt Nam ta được đánh giá là rất đa dạng và độc đáo, một trong những nét văn hóa truyền thống đặc trưng ấy không thể không kể đến Tranh Đông Hồ – dòng tranh dân gian đã gắn bó với người dân ta bao đời nay.
Tranh Đông Hồ không chỉ mang nét đẹp mộc mạc, giản dị, hoài cổ mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Vậy Tranh Đông Hồ là gì, hàm chứa những ý nghĩa gì ? Những mẫu Tranh Đông Hồ nào đẹp nhất ? … Cùng tìm câu trả lời cho tất cả những câu hỏi xung quanh Tranh Đông Hồ trong bài viết dưới đây nhé.
1. Tranh Đông Hồ là gì?
Tranh Đông Hồ, tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, xuất xứ từ làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Tranh Đông Hồ thường khắc họa và tái hiện lại những khung cảnh, đời sống sinh hoạt của người dân ta xưa kia, từ những hình ảnh đơn giản như đàn lợn, con gà, con vịt đến hình ảnh đám cưới, lễ hội nô nức, đông vui… tất cả đều có thể trở thành nguồn cảm hứng với những nghệ nhân tranh Đông Hồ. Được phác họa bằng những nét vẽ vô cùng đơn giản, ngộ nghĩnh và vui nhộn, tranh Đông Hồ luôn mang đến một sắc thái và những cung bậc cảm xúc riêng cho người thường thức, giúp tâm trạng người xem được thoải mái hơn và tạo ra những tràng cười sảng khoái.
Cũng chính vì lý do đó mà trước kia, tranh Đông Hồ được bán chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường để tăng thêm không khí háo hức, vui nhộn của ngày tết dân tộc, hết năm tranh lại được lột bỏ và thay mới liên tục.
Những bức Tranh Đông Hồ thường tái hiện những phong tục dân gian, những nét độc đáo trong văn hóa nghệ thuật dân tộc. Hiện nay, Tranh Đông Hồ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Có thể nói, Tranh Đông Hồ đã trở thành một nét đẹp truyền thống, một bản sắc văn hóa rất riêng của Việt Nam, không thể pha trộn. Dù trong cuộc sống công nghiệp hóa như ngày nay, cũng không thể phủ nhận được rằng tranh Đông Hồ vẫn chứa đựng những giá trị rất riêng trong lòng người dân Việt, luôn được gìn giữ và trân trọng.
2. Ý nghĩa của Tranh Đông Hồ.
Tranh Đông Hồ đặc trưng bởi nét vẽ mộc mạc, giản dị, phản ánh một cách chân thật và sống động những nét văn hóa đẹp trong đời sống sinh hoạt của người Việt. Từ xưa đến nay, Tranh Đông Hồ luôn có một sức sống bền bỉ, mãnh liệt không chỉ đối với nhiều thế hệ người Việt mà còn với cả những du khách nước ngoài.
Mỗi bức Tranh Đông Hồ là hình ảnh những con vật, những trò chơi, những nếp sinh hoạt từ thời xa xưa… được thể hiện qua những nét vẽ dân gian mang đậm dấu ấn cổ truyền. Bức tranh tạo cho người thường thức cảm xúc bùi ngùi xúc động, nhớ về tuổi thơ yêu dấu với bao kỷ niệm đẹp cùng với cảm giác bình yên, ấm áp, thân thuộc đến lạ kỳ.
Những bức tranh ấy như lưu giữ dấu ấn của thời gian, qua mỗi bức tranh Đông Hồ đơn sơ, mộc mạc ấy, những thế hệ con em sau này phần nào thấy và cảm nhận được lối sống, sinh hoạt, những nét đặc trưng trong văn hóa cổ truyền của cha ông ta thời xưa, một thời nghèo khó, đơn sơ mà vui vẻ, hạnh phúc, bình yên đến lạ thường.
Theo năm tháng, Tranh Đông Hồ dần trở thành niềm tự hào của con người Việt Nam, là dấu ấn của đát nước trong kho tàng lịch sử nghệ thuật của thế giới, những thế hệ con rồng cháu tiên sau này có thể tự hào, ngẩng cao đầu khi giới thiệu đến bạn bè quốc tế nét văn hóa truyền thống xa xưa đẹp đẽ này của Việt Nam.
3. Những chủ đề Tranh Đông Hồ đẹp nhất.
Tuy sử dụng nét vẽ đơn giản là thế, song Tranh Đông Hồ lại rất đa dạng về mẫu mã, chủ đề. Bất kể một tập tục, thói quen sinh hoạt đời thường của ông cha ta xưa kia đều có thể trở thành nguồn cảm hứng cho những tác phẩm tranh Đông Hồ. Đây chính là lý do cho sự đa dạng và phong phú của dòng tranh cổ truyền này. Cùng tham khảo 20 chủ đề Tranh Đông Hồ đẹp được yêu thích nhất nhé.
1. Đám cưới chuột
Nói đến Tranh Đông Hồ, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến bức tranh nổi tiếng “Đám cưới chuột” đúng không nào. Đám cưới chuột có lẽ là bức tranh Đông Hồ được nhiều người biết đến nhất bởi nó rất thường xuất hiện trong những cuốn sách giáo khoa có trong chương trình học của Bộ Giáo dục từ các cấp tiểu học.
Bức tranh với nét vẽ ngộ nghĩnh đậm chất dân gian nhưng lại hàm chứa ngụ ý sâu xa, nhắc nhở con người ta nên sống cho phải đạo, biết đối nhân xử thế, sống nhân hậu, nhân văn nhưng vẫn kiên cường và mạnh mẽ.
2. Vinh quy bái tổ
Vinh quy bái tổ là một trong những bức tranh được nhiều người yêu thích nhất của làng Tranh Đông Hồ. Bức tranh truyền đạt đến người thường thức nét ý nghĩa đẹp, đó là những truyền thống đạo lý hàng đầu của người Việt – “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, “Tôn sư trọng đạo”. Những đạo lý quý báu, dù ngàn năm sau vẫn luôn luôn mang những giá trị sâu sắc trong lòng người Việt. Bức tranh được treo trong gia đình không chỉ với mục đích trang trí mà còn để răn dạy, giáo huấn con cháu về nét đẹp trong văn hóa tinh thần người Việt cần được gìn giữ và phát huy.
3. Vinh hoa phú quý
Đứng vị trí thứ 3 trong những bức Tranh Đông Hồ được yêu thích nhất là bức “Vinh hoa phú quý”. Bức tranh này được yêu thích bởi nó mang nhiều ý nghĩa tốt lành và may mắn đến cho người sở hữu, đó là sự chúc tụng, cầu may cho gia đình được hạnh phúc viên mãn, cuộc sống đủ đầy, vinh hoa phú quý. Ngoài ra, với hình ảnh gà, ngỗng có đủ trống mái hàm ý cầu chúc cho gia đình con đàn cháu đống sum vầy.
4. Đàn gà mẹ con
“Đàn gà mẹ con” cũng là một bức Tranh Đông Hồ nổi tiếng thường được người chơi tranh lựa chọn để treo trang trí trong nhà với mong muốn cầu chúc sự bình an, êm ấm, hạnh phúc, con cháu đuề huề. Bức tranh cũng nhắc nhở con cháu về công lao và đức hy sinh của người mẹ để từ đó giữ lấy chữ hiếu, lễ phép, kính trọng đấng sinh thành.
5. Tứ quý bình, Tứ quý hạc, Tứ quý vịt sen
Tứ quý là một chủ đề rất phổ biến, thường được lấy làm nguồn cảm hứng cho rất nhiều dòng tranh trên thị trường hiện nay, và tranh Đông Hồ cũng không ngoại lệ. Mỗi loại tranh Đông Hồ Tứ Quý này lại là một chủ đề khác nhau với những ý nghĩa khác nhau.
Tranh Đông Hồ quý bình gồm 4 bức tranh khổ lớn vẽ 4 loại hoa tượng trưng cho bốn mùa Mai – Sen – Cúc – Mẫu đơn. Gia chủ treo tranh này trong nhà với mong muốn, cầu ước sự may mắn, khang ninh, phú quý cho gia đình.
Tranh tứ quý hạc vẽ về tứ quý bốn mùa, với ý nghĩa cầu mong vinh hoa phú quý, may mắn hạnh phúc, vợ chồng hòa thuận.
Bộ tranh Đông Hồ tứ quý Vịt Sen là một tấm gương đẹp về lòng thủy chung son sắt của đạo vợ chồng. Ý nghĩa của chủ đề Tranh Đông Hồ này là cầu chúc cho vợ chồng trăm năm hạnh phúc, cuộc sống sung túc con cháu vui vầy.
Dù là mẫu tranh nào đi chăng nữa thì bộ tranh Tứ quý Đông Hồ vẫn luôn dành được sự yêu thích của người tiêu dùng từ xưa đến nay bởi vẻ đẹp và những hàm ý sâu xa, tốt lành của nó.
6. Chăn trâu thổi sáo
Tranh Đông Hồ “Chăn trâu thổi sáo” hay còn được gọi là tranh “Mục đồng thổi sáo” là một bức tranh tái hiện cuộc sống nơi làng quê mộc mạc, giản dị và bình yên, nơi mà con người ta mong muốn được tìm về để tránh những bộn bề, tấp nập, vội vã, thị phi ngoài kia. Bức tranh thể hiện sự yên bình, thanh lạc, an yên trong cuộc sống. Cho đến ngày nay, bức tranh vẫn chiếm được rất nhiều cảm tình của người yêu tranh bởi nó đưa họ về với những miền ký ức đẹp xưa cũ của một thời tuổi thơ đáng nhớ.
7. Gà trống hoa hồng
“Gà trống hoa hồng” là bức Tranh Đông Hồ được mọi người treo trong nhà không chỉ để trang trí mà còn với mong ước đem đến cho gia đình cuộc sống hạnh phúc, ấm no, đây là những lời cầu mong nhỏ bé, giản dị, thiết thực nhất của người dân Việt Nam ta bao đời nay.
8. Hội làng
Tranh Đông Hồ “Hội làng” là một bức tranh thể hiện sự biết ơn của con cháu đối với ông bà tổ tiên, những người đi trước có công với Đất nước qua những nét đẹp văn hóa như Quan họ Bắc Ninh.
Treo tranh Đông Hồ “Hội làng” trong nhà giúp tăng không khí lễ hội nhộn nhịp, tưng bừng của ngày Xuân, vừa rộn rã, vui tươi, vừa mang đậm dấu ấn bản sắc dân tộc.
9. Lợn đàn
Tranh Đông Hồ “Lợn đàn” hay còn gọi là tranh “Mẹ con đàn lợn âm dương” là một cái tên rất quen thuộc với người chơi tranh. Bức tranh thể hiện sự ấm no, sung túc, hạnh phúc viên mãn, con đàn cháu đống quây quần, tình cảm gắn bó sâu sắc. Treo tranh Đông Hồ Lợn đàn trong nhà cũng thay cho lời cầu ước gia đình luôn bình an, sum vầy và hạnh phúc bên nhau.
10. Hứng dừa
Trong bức tranh “Húng dừa” ta có thể thấy người đàn ông – trụ cột trong gia đình dũng cảm trèo lên cao, tượng trưng cho đỉnh cao của danh vọng để nỗ lực đem đến ấm no, hạnh phúc, tiếng cười cho vợ con.
“Hứng dừa” là một trong những bức Tranh Đông Hồ nổi tiếng thể hiện sự hòa hợp, hạnh phúc của một gia đình Việt Nam, cho thấy một ý nghĩa sâu xa, thấm thía đằng sau những nét vẽ mộc mạc và giản dị, cũng thể hiện vị trí và tầm quan trọng của những người đàn ông trong gia đình.
11. Đánh ghen
“Đánh ghen” là một trong những bức tranh thuộc chủ đề phê phán, chế giễu của Tranh Đông Hồ.
Hình ảnh cô vợ cả hung dữ cầm kéo đe dọa, những người vợ lẽ người ôm ngực bảo vệ, người chìa tóc thách thức một câu chuyện bi hài. Thật khiến cho người ta vừa thấy hài hước lại đồng cảm, chua xót thay cho những số phận phụ nữ chung chồng trong xã hội phong kiến xưa. Bức tranh với những nét vẽ có phần thô nhưng lại vạch trần, phơi bày một cách táo bạo tập tục lạc hậu trong xã hội phong kiến.
12. Lễ trí – Nhân nghĩa
“Lễ trí – Nhân nghĩa” là một cặp tranh nổi tiếng của làng Tranh Đông Hồ với ngụ ý cầu cho bé gái lớn lên chăm chỉ, hiền dịu, xinh đẹp như con rùa, người con trai lại giỏi giang, học hành hiển đạt. Ngoài những ý nghĩa trên, hình ảnh con cóc trong bức tranh còn là biểu tượng của dũng cảm với điển tích kiện trời cầu mưa.
13. Gà dạ xướng
“Gà dạ xướng” là một bức Tranh Đông Hồ nổi tiếng nhắc nhở, giáo huấn con người ta về chữ “Tín”. Ý nghĩa ấy được truyền tải khéo léo thông qua lời đề ngắn gọn:
“Năm canh Xuân, Hạ, Thu, Đông
Tiếng gà gáy, mặt trời hồng mọc lên
Công gà chẳng thể nào quên
Ánh dương báo đúng, ta bền lòng tin.”
14. Đu quay
Tranh Đông Hồ “Đu quay” là một bức tranh khắc họa nét đẹp văn hóa trong nếp sinh hoạt của người Việt xưa.
Qua bức tranh, ta thấy được sự hòa hợp, êm ấm của con người với con người, cùng với ước nguyện giản dị của nhân dân ta xưa kia: mong trời thuận gió hòa, thời tiết luôn yên lành, suôn sẻ để mùa màng bội thu, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc, tình yêu đôi lứa trọn vẹn.
15. Chăn trâu đọc sách
Bức tranh Đông Hồ “Chăn trâu đọc sách” khắc họa một cách tinh tế hình ảnh cậu bé đọc sách trên lưng trâu, thể hiện sự siêng năng, ham học hỏi và tinh thần hiếu học của con người Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào.
16. Cá chép
Hình ảnh cá chép là biểu tượng cho sự thành công, thanh bình, bình an trong gia đình. Gia chủ treo Tranh Đông Hồ cá chép trong nhà với mong muốn đón nhiều tài lộc, vinh hóa phú quý, vạn sự suôn sẻ, thuận lợi và may mắn.
17. Gà đại cát nghinh xuân
Bức “Gà đại cát nghinh xuân” của làng Tranh Đông Hồ với những nét vẽ dân gian mộc mạc thể hiện ước muốn cầu may mắn, ” Đại cát đại lợi”. Hình ảnh gà còn là sự biểu hiện cho sự thuận lợi, may mắn trong công việc và cuộc sống.
18. Thầy đồ cóc
Tranh “Thầy đồ cóc” là một bức Tranh Đông Hồ hàm chứa ý nghĩa chúc tụng, thường được mọi người tặng cho các cháu nhỏ hay các em học sinh để chúc sự siêng năng, ham học hỏi, thông minh, sáng dạ trong học tập.
19. Thiên hạ thái bình
Bức tranh khắc họa hình ảnh chú công rực rỡ bên gốc hoa hồng với ngụ ý cầu mong cho đất nước thịnh vượng, thái bình, ấm no. Với những ý nghĩa tốt đẹp như vậy, bức tranh “Thiên hạ thái bình” được rất nhiều người yêu thích và ưa chuộng.
20. Mục đồng thả diều
Tái hiện lại một góc rất nhỏ của làng quê xưa, cũng là một mẩu nhỏ của ký ức tuổi thơ tươi đẹp, “Mục đồng thả diều” đưa người thường thức đắm chìm vào sự mộc mạc, thân quen, gần gũi, bình yên đến lạ của những làng quê xưa.
Các cũng có thể tìm hiểu về những bức tranh thêu tay tại Website https://theuviet.com hoặc trực tiếp tại địa chỉ 64A Phố Tôn Đức Thắng, P, Đống Đa, Hà Nội
Mong rằng qua bài viết này, bạn đọc sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích về Tranh Đông Hồ. Cảm ơn các bạn đã theo dõi !