Quy trình làm tranh thêu truyền thống từ A-Z trong năm 2020

Tranh Thêu Tay là dòng tranh truyền thống, có lịch sử lâu đời nhất nước ta. Tranh thường được thêu trên nền vải lụa hoặc vải thêu chuyên dụng với nhiều màu khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là thêu trên nền vải màu đen và màu trắng. Nền vải màu trắng thường được sử dụng cho những bức tranh thêu cần sự tươi sáng như tranh thêu phong cảnh, tranh thêu các con vật…Còn nền vải màu đen dùng cho tranh cần chiều sâu, thu hút cần thu hút sự chú ý của người thường thức ví dụ như những bức tranh thêu các loài hoa, tranh thêu tĩnh vật…

Nhưng việc lựa chọn nền vải để thêu cũng còn tùy thuộc vào chủ đặc điểm họa tiết trên bức tranh và sở thích riêng của người chơi tranh nữa.

1. Nguồn gốc nghề thêu tranh truyền thống

Vào thế kỷ 17, cụ Lê Công Hành từng được vua cử đi sứ sang Trung Quốc, trong quá trình công tác tại nước bạn, cụ học được nghề thêu. Sau này khi trở về nước, ngài đem những kỹ thuật và kinh nghiệm quý báu của mình truyền lại cho dân làng Quất Động. Từ đó về sau, nghề thêu tranh tay được phát triển rộng khắp cả nước và cụ Lê Công Hành cũng trở thành ông tổ nghề thêu của Việt Nam.

quy trình thêu tranh thêu tay
Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành

Trải qua bao thăng trầm, Quất Động vẫn giữ được vẻ cổ kính, mộc mạc và đơn sơ đặc trưng của những làng quê Bắc Bộ. Trong khung cảnh bình yên của làng, đền thờ cụ Lê Công Hành uy nghi hiện ra, người được tôn vinh là ông tổ nghề thêu Việt Nam.

Dù cho hiện nay, khoa học công nghệ rất phát triển, nhưng có thể nói, không một cỗ máy hiện đại nào có thể thay thế được những đường nét tinh xảo và tài hoa từ bàn tay của các nghệ nhân thêu tranh tay. Chúng như chứa đựng cả tình cảm và tâm hồn của người thêu trong đó. Giá trị quý báu, nét tinh hoa của nghệ thuật thêu tay truyền thống Việt Nam được hình thành, gìn giữ và phát huy như vậy đấy.

2. Quy trình tạo nên một bức tranh truyền thống

Chọn và vẽ mẫu tranh lên giấy

Bước đầu tiên trong quy trình sản xuất tranh thêu truyền thống chính là chọn mẫu tranh. Tranh thường được thêu theo các mẫu truyền thống có sẵn, điển hình như dòng tranh phong thủy, hoặc thêu mô phỏng lại từ tranh vẽ, ảnh chụp của các họa sỹ, nhiếp ảnh gia, thêu theo mẫu được thiết kế riêng tại xưởng hoặc theo mẫu bất kỳ mà khách hàng yêu cầu, đặt trước.

Các mẫu tranh được lựa chọn sẽ được vẽ lại trên giấy sau đó sẽ tiến hành công đoạn tiếp theo là chuyển mẫu vẽ từ giấy sang vải thêu.

quy trình thêu tranh - vẽ lên giấy

– Săm và chuyển thể hình ảnh từ tranh vẽ lên vải thêu

Khi hoàn thành bản vẽ tay, toàn bộ phần hiện thực nội dung trên tranh vẽ tay tiếp tục được chuyển tới bộ phận kĩ thuật xử lí hình ảnh. Dùng kỹ thuật săm tay thủ công, vô cùng tỉ mỉ và đòi hỏi độ chính xác cao để chuyển thể hình ảnh từ giấy lên vải.

Công đoạn này hết sức quan trọng, cần được thực hiện một cách tỉ mỉ và chính xác bởi ở các khâu thêu tranh sau đó, người nghệ nhân sẽ thêu từng đường kim mũi chỉ dựa vào những hình ảnh được phác thảo trên vải thêu. Do vậy, bức tranh có được đánh giá cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc chuyển thể hình ảnh từ tranh vẽ lên vải thêu này.

Lựa chọn chỉ thêu

Công đoạn tiếp theo trong quy trình làm tranh thêu tay là lựa chọn và phối màu chỉ thêu. Có thể nói đây là công đoạn khó và phức tạp, đòi hỏi người nghệ nhân có trình độ chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm.

Để có bức tranh đẹp đòi hỏi dùng tới rất nhiều loại chỉ với màu sắc, kích thước to nhỏ, chất liệu chỉ khác nhau. Không chỉ những sợ chỉ khác nhau mới mang những sắc màu khác nhau mà thậm chí, khi quan sát kỹ bạn cũng dễ dàng nhìn thấy ngay trên chính một sợi chỉ thêu màu sắc cũng được chuyển màu dần từ đậm sang nhạt để tạo hiệu ứng màu sắc, sáng tối khi thêu.

Việc lựa chọn chỉ và phối màu cũng là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự cảm nhận màu sắc, tư duy thẩm mỹ, kinh nghiệm và cả đôi mắt tinh tế của những người nghệ nhân thêu. Có chủ đề tranh thêu tay, đặc biệt là tranh thêu phong cảnh có khi cần tới hàng trăm loại chỉ khác nhau để hoàn thiện.

Để lựa chọn được chỉ thêu đẹp và phù hợp với bức tranh, trong khi lựa chọn bạn còn cần sử dụng kỹ năng, nghệ thuật phối màu chỉ thêu. Bức tranh có thật sự sinh động, sự chuyển tiếp giữa các màu có mềm mại, tự nhiên tạo nên tổng thể bức tranh thật chân thực và sống động hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc người nghệ nhân phối màu chỉ.

quy trình thêu tranh từ a-z

Thực hiện thêu tranh trên khung

Thêu tranh là công đoạn quan trọng và cũng tốn nhiều thời gian và công sức nhất trong quy trình sản xuất tranh thêu tay.

Vải thêu sau khi đã được vẽ mẫu sẽ được căng lên khung, sửa lại các nét không rõ và bắt đầu thêu. Trên thị trường có rất nhiều bức tranh thêu khi nhìn từ xa thì thấy tương đối, nhưng khi đến gần quan sát thì thấy rõ đường nét thêu thưa, mũi chỉ thêu dài, phối màu không chuẩn, đầu nối chỉ không kỹ càng, bị bung – sổ chỉ, nhìn rất thô…. Bởi vậy, tính nghệ thuật của bức tranh hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật thêu, phối chỉ, óc thẩm mỹ, độ cẩn thận, tỷ mỷ và tay nghề của mỗi nghệ nhân thêu.

quy trinh lam tranh theu tay

Để có một bức tranh thêu tay hoàn thiện và được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ, người nghệ nhân phải có đủ những kỹ năng thêu thùa từ cơ bản đến phức tạp và những kiến thức am hiểu về chuyên môn. Và để được như vậy, những người nghệ nhân ấy phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện, nâng cao và hoàn thiện kỹ năng không ngừng để nâng cao tay nghề. Càng có trình độ cao thì quá trình thêu tranh càng nhanh, chính xác và cho thành quả chất lượng hơn. Các tác phẩm tranh thêu tay của những nghệ nhân lâu năm, giàu kinh nghiệm cũng thường được đánh giá cao hơn và có giá thành cao hơn hẳn so với những tác phẩm còn vụng về của những nghệ nhân mới vào nghề.

Kiểm tra và hoàn thiện

Sau khi hoàn thành công đoạn thêu tranh, bức tranh sẽ được kiểm tra cẩn thận, cắt bỏ những sợi chỉ thừa, sửa chữa lỗi và tháo ra khỏi khung thêu. Tranh sẽ được vệ sinh sạch sẽ sau đó tiến hành đóng khung tranh hoàn thiện. Việc lựa chọn khung tranh cũng không kém phần quan trọng, người ta thường ví khung tranh như chiếc áo còn bức tranh thêu như một người đẹp, mà ông cha ta từ xưa đã có câu người đẹp vì lụa. Điều này quả thật không sai bởi một chiếc khung với màu sắc và hoa văn phù hợp sẽ giúp tôn lên vẻ đẹp vốn có của bức tranh gấp nhiều lần.

quy trinh lam tranh theu tay

Thời gian để hoàn thiện một bức tranh phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Tay nghề của nghệ nhân thêu, độ phức tạp, độ khó trong kỹ thuật thêu (ví dụ tranh thêu chân dung và tranh thêu 2 mặt luôn phức tạp, khó thêu và thêu lâu hơn tranh thêu 1 mặt rất nhiều), thời gian ngắn hay dài còn phụ thuộc kích thước và họa tiết của bức tranh nhiều hay ít – mật độ chỉ thêu trên vải như thế nào…

Những tác phẩm nghệ thuật để đời được tạo nên từ những đôi bàn tay thầm lặng. Thật cảm kích khi bạn dành thời gian đọc hết những chia sẻ này, hy vọng bạn sẽ hiểu thêm về quy trình làm tranh truyền thống, yêu thêm nét đẹp của một nghề thủ công truyền thống, thêm trân trọng những tác phẩm thêu tay đẹp mang nghệ thuật và trân quý cả những người nghệ nhân Thêu Việt ngày đêm miệt mài thêu lên những tác phẩm ấy. Để tìm đọc thêm nhiều bài viết hay về tranh thêu tay, bạn đọc có thể truy cập website theuviet.com. Chân thành cảm ơn !

Thêu Việt

Call Now ButtonGọi ngay